Bộ GTVT đang triển khai 12 dự án giao thông sử dụng nguồn vay từ các tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn…
Tiến độ thi công dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long cơ bản đáp ứng yêu cầu, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2020
Tập trung khởi công 3 dự án quy mô lớn
Được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 5/2018 với tổng mức hơn 3.600 tỷ đồng, đến nay, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án nâng cấp QL19) đang được Ban QLDA 2 rốt ráo chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán để chuẩn bị khởi công xây dựng vào cuối năm 2020.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thắng, Quyền Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, về cơ cấu nguồn vốn, dự án sử dụng vốn vay 150 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn vốn đối ứng trong nước. Riêng công tác thiết kế kỹ thuật của dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Úc được khởi động từ tháng 10/2019, thời gian thực hiện trong 13 tháng.
“Hiệp định vay vốn của WB đã được ký kết từ năm 2017, phần vốn đối ứng trong nước cũng vừa được tháo gỡ, chúng tôi đang đốc thúc đơn vị tư vấn đẩy nhanh công tác thiết kế kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2020 để trình Bộ GTVT phê duyệt.
Dự kiến, trong quý IV/2020, gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án sẽ khởi công xây dựng”, ông Thắng nói và cho biết thêm, mục tiêu của dự án nâng cấp QL19 với tổng chiều dài khoảng 247km nhằm góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối với các nước láng giềng; tăng cường kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông – Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung…
Một dự án ODA quy mô lớn khác với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng do Ban QLDA 2 triển khai cũng đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật là dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn viện trợ của Chính phủ Úc và vốn đối ứng trong nước.
Theo ông Thắng, dự án có tổng chiều dài gần 200km, gồm 2 tuyến: Tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài khoảng 147km và tuyến kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài hơn 51km.
“Công tác thiết kế kỹ thuật của dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Úc được khởi động từ tháng 12/2019. Dự kiến, cuối năm 2020 hoàn thành thiết kế kỹ thuật nên đầu quý I/2021 mới có thể khởi công các gói thầu xây lắp”, ông Thắng nói.
Không chỉ tập trung ở lĩnh vực đường bộ, một dự án đường thủy nội địa sử dụng vốn ODA của WB và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư lên tới 1.837 tỷ đồng sẽ khởi công ngay trong một vài tháng tới là công trình kênh đào nối hai tuyến sông Đáy – Ninh Cơ trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Ban QLDA Đường thủy (đại diện chủ đầu tư) cho biết, công tác GPMB của dự án đã hoàn thành 98%, đơn vị đang triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu.
“Dự kiến, công trình sẽ khởi công xây dựng vào cuối quý II hoặc đầu quý III/2020”, ông Bảo nói và thông tin thêm, dự án sẽ tiến hành xây dựng kênh, âu tàu, cầu vượt âu tàu và đường dẫn nhằm kết nối sông Đáy với tuyến vận tải thủy ven biển qua cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ, Nam Định), phục vụ tàu pha sông biển trọng tải từ 2.000 DWT đầy tải đến 3.000 DWT giảm tải đi qua, góp phần phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc – Nam.
Năm 2020 sẽ giải ngân 6.158 tỷ đồng vốn ODA
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, ngoài 3 dự án đang chuẩn bị triển khai (dự án nâng cấp QL19, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc, kênh nối Đáy – Ninh Cơ) hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện đầu tư 9 dự án giao thông khác sử dụng nguồn vốn ODA.
Bao gồm: 4 dự án đang thi công (Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, LRAMP, cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi) và 5 dự án đã cơ bản hoàn thành (đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án tín dụng ngành GTVT lần thứ 2, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2, cầu Thịnh Long, phòng thí nghiệm trọng điểm – bể thử mô hình tàu thủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam).
Đánh giá của Cục QLXD&CLCTGT, đối với 4 dự án ODA đang thi công, khối lượng tính đến hết tháng 3/2020 đạt khoảng 70 – 90%. Trong đó, dự án LRAMP (Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư), sản lượng đạt khoảng 83%, tiến độ thi công đang đáp ứng yêu cầu.
Dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long (Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư) sản lượng đạt khoảng 77%, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2020; Riêng dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Tổng công ty Cửu Long làm đại diện chủ đầu tư) sản lượng đạt khoảng 75,2%, tiến độ chậm, khó hoàn thành vào 30/6/2020 theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Đề cập đến kết quả giải ngân của 12 dự án ODA, đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, kế hoạch giao vốn ODA năm 2020 và vốn kéo dài năm 2019 là 6.158 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 3/2020, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã giải ngân được 723,6 tỷ đồng, đạt 11,7%. Cụ thể, dự án Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đã giải ngân được 373/297 tỷ đồng (đạt 30,9%), dự án LRAMP giải ngân 86,6/1.175 tỷ đồng (đạt 1,01%), dự án tín dụng ngành GTVT lần thứ 2 giải ngân 22,2/562 tỷ đồng (đạt 3,9%)…
(Theo Báo GTVT)